Bài 5- Các rối loạn nội tâm hóa và sức khỏe tâm thần vị thành niên

Rối loạn nội tâm hóa đề cập đến các hành vi có vấn đề hoặc có hại hướng vào bản thân hơn là vào người khác. Mặc dù việc sử dụng ma túy bất hợp pháp có thể được coi là một hành vi nội tâm hóa, nhưng thuật ngữ ‘rối loạn nội tâm hóa’ chủ yếu được sử dụng để chỉ nỗi buồn, khí sắc bất ổn, thoái lui và trầm cảm. Các chỉ số nghiêm trọng hơn là suy nghĩ về tự tử và những nỗ lực thực sự về việc tự tử. Rối loạn ăn uống, bao gồm chứng biếng ăn và chứng ăn vô độ, là một loại khác của hành vi nội tâm hóa, nhưng loại rối loạn này chưa gặp nhiều ở Việt Nam. Rối loạn ăn uống trùng lặp ở một mức độ nào đó với béo phì, nhưng tôi cũng sẽ không đề cập ở đây vì tôi không thấy sự khác biệt của vấn đề này ở Việt Nam khi xem xét ở tuổi vị thành niên.

Khí sắc bất ổn và rối loạn cảm xúc

Rối loạn khí sắc có thể được định nghĩa là cảm thấy chán nản hoặc có khí sắc dao động. Có một lịch sử lâu dài coi tuổi vị thành niên là khoảng thời gian của tâm trạng và cảm xúc rối loạn, với cả Hall với tư cách là nhà tâm lý học và Freud là nhà phân tâm học đều nhấn mạnh điều này trong những năm đầu của thế kỷ 20- đã đề cập ở bài trước. Những quan điểm này đã dẫn dắt trong một thời gian. Năm 1962, Peter Blos đã phát triển thêm phương pháp phân tâm học trong cuốn sách Về tuổi mới lớn. Ở đây, ông gọi tuổi vị thành niên là một quá trình cá nhân hóa lần thứ hai. Quá trình cá nhân hóa đầu tiên là quá trình chuyển đổi mà một đứa trẻ sơ sinh thực hiện để trở thành một đứa trẻ mới biết đi tự chủ hơn, điều này thường đi kèm với những cơn giận dữ. Blos coi tuổi vị thành niên là một quá trình song song để chuyển sang độc lập, ở giai đoạn sau. Nó cũng tự nhiên đi kèm với sự xung đột và thoái lui. Thật vậy, khái niệm tuổi vị thành niên là một giai đoạn hỗn loạn, nổi loạn vẫn còn phổ biến trong những năm 1960 và 1970, như được lưu ý trong tác phẩm của Erikson về khủng hoảng danh tính vào thời điểm đó.

Nhưng trong những thập kỷ sau của thế kỷ 20, đã có một số phản ứng chống lại điều này, với một số nhà nghiên cứu cho rằng những khó khăn như vậy ở tuổi vị thành niên không phải là đặc điểm của tất cả thanh thiếu niên, và thường có tính chất khá nhỏ. John Coleman đã đề xuất lý thuyết trọng tâm về tuổi vị thành niên, theo đó các nhiệm vụ hoặc khó khăn phát triển không phải đến cùng một lúc mà được lan truyền qua các năm tuổi vị thành niên. Điều này ngụ ý rằng chúng có thể được quản lý từng cái một, thay vì cùng nhau mang đến một số loại khủng hoảng nào đó.

Nghiên cứu trên Đảo Wight

Michael Rutter và các đồng nghiệp đã cố gắng giải quyết vấn đề về sự hỗn loạn cảm xúc trong một bài báo có tựa đề Rối loạn hỗn loạn vị thành niên: sự thật hay hư cấu ?. Họ đã báo cáo những phát hiện từ một nghiên cứu toàn diện về tất cả trẻ em từ 14 đến 15 tuổi trên Đảo Wight, ngoài khơi bờ biển phía nam nước Anh. Tổng cộng có 2.303 thanh niên trong độ tuổi này. Một mẫu ngẫu nhiên gồm 200 trẻ đã được đánh giá chi tiết và có một cuộc phỏng vấn với bác sĩ tâm thần. Từ đó, trong bảng câu hỏi khảo sát, từ 1/5 đến 1/4 (21% nam, 23% nữ) nói rằng trẻ thường cảm thấy đau khổ hoặc chán nản. Theo các bác sĩ tâm thần, số nhiều hơn (42% nam, 48% nữ) cho biết trẻ có cảm giác đau khổ, mặc dù chưa đến một phần ba trong số này thực sự trông buồn bã trong cuộc phỏng vấn. Khoảng một phần bảy (13%) thực sự được chẩn đoán là mắc một chứng rối loạn tâm thần.

Đây là trường hợp của một chiếc ly đầy một phần bảy, hay sáu phần bảy trống? Ở đây, điều quan trọng là phải xem những số liệu này so sánh như thế nào với độ tuổi trẻ hơn hoặc lớn hơn. May mắn thay, các nhà nghiên cứu có thể so sánh số liệu về rối loạn tâm thần ở tuổi 14-15 với số liệu của những đứa trẻ tương tự ở tuổi lên 10, như đã có một cuộc khảo sát trước đó vài năm. Họ cũng nhận được đánh giá đối với cha mẹ của trẻ 14-15 tuổi như một mẫu người lớn. Các phát hiện dựa trên dữ liệu phỏng vấn cha mẹ cho cả ba lứa tuổi, cho thấy tỷ lệ mắc bất kỳ rối loạn tâm thần nào là khoảng 12% khi 10 tuổi, 13% ở 14-15 tuổi và 10% ở người trưởng thành. Có một đỉnh cao (nhưng khá khiêm tốn!?) ở tuổi vị thành niên, nhưng sự khác biệt là nhỏ và hầu hết thanh thiếu niên không bị xáo trộn nghiêm trọng. Trong báo cáo đã kết luận rằng ‘tình trạng rối loạn ở tuổi vị thành niên là một sự thật, không phải là một điều hư cấu, nhưng tầm quan trọng về mặt tâm thần của nó có lẽ đã được ước tính quá mức trong quá khứ “. Tất nhiên, kết luận này có giới hạn về mặt lịch sử, nghiên cứu đã được khoảng bốn mươi năm vào thời điểm viết bài. Đảo Wight cũng thuận tiện trong việc lấy một mẫu địa phương hoàn chỉnh, nhưng bao gồm các làng và thị trấn nhỏ, đây là một môi trường rất khác với cuộc sống đô thị hiện đại ở Anh.

Tâm trạng bất ổn và cảm giác buồn bã

Để đánh giá tâm trạng một cách trực tiếp hơn, một nghiên cứu ‘kín tiếng’ ở Hoa Kỳ, được thực hiện vào những năm 1990, yêu cầu trẻ em 10-14 tuổi đeo máy nhắn tin điện tử trong một tuần. Để đáp lại các tín hiệu ngẫu nhiên, họ ghi lại cảm xúc của mình. Thanh thiếu niên 12-14 tuổi bị ảnh hưởng cảm xúc tiêu cực hơn đáng kể so với 10-11 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng cho những người trẻ tuổi này một bảng câu hỏi về các sự kiện trong đời, hỏi về những điều quan trọng ảnh hưởng đến họ gần đây. Ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn liên quan đến các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống. Những sự kiện cuộc sống này thường xoay quanh gia đình, trường học và bạn bè đồng trang lứa.

Nghiên cứu này cung cấp một nguồn khác về bằng chứng rằng các vấn đề nội tâm như nỗi buồn tăng từ khoảng 10 đến 14 năm. Nhưng sau 14 tuổi thì sao? Bảng 9 đưa ra một số dữ liệu từ cuộc khảo sát Giám sát Hành vi Rủi ro Thanh niên (YRBS) năm 2013 tại Hoa Kỳ, xem xét khoảng 14 đến18 tuổi. Có thể thấy rằng khoảng 30% thanh niên cho biết họ cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng trong 12 tháng qua. Điều này được định nghĩa trong cuộc khảo sát là cảm giác như thế này gần như hàng ngày trong hai hoặc nhiều tuần liên tiếp khiến họ ngừng thực hiện một số hoạt động thông thường. Không có nhiều thay đổi trong khoảng thời gian từ 14 đến 17 tuổi.

Trầm cảm

Buồn bã và trầm cảm có thể được xem như một chuỗi liên tục. Khí sắc trầm cảm là điều mà ai cũng có thể trải qua vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng thường chỉ thoáng qua. Theo nghĩa này, đó là một phản ứng bình thường đối với một sự kiện bất lợi trong cuộc sống hoặc căng thẳng. Hội chứng trầm cảm là khi tình trạng này kéo dài hơn và kèm theo lo lắng, tự ti, cảm giác tội lỗi và có thể các vấn đề khác như cô đơn hoặc rối loạn giấc ngủ. Mặc dù không chính xác, nhưng dữ liệu YRBS về nỗi buồn có thể làm tăng mức độ trầm cảm này. Một rối loạn trầm cảm điển hình được chẩn đoán khi có sự bất hạnh sâu sắc, tuyệt vọng và các triệu chứng khác như cảm giác tội lỗi bất thường, giảm tập trung, rối loạn ăn uống và có ý định tự tử hoặc tự gây hại bản thân.

Một số hiểu biết sâu sắc về các vấn đề ảnh hưởng đến thanh thiếu niên bị trầm cảm đến từ một nghiên cứu ở Phần Lan. Các nhà nghiên cứu đã làm việc với 70 thanh thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi, những người đã được chuyển đến điều trị ngoại trú tâm thần, thường là vì bệnh trầm cảm. Các em cung cấp dữ liệu qua internet, viết một bài luận ngắn về những mối quan tâm và tình hình cuộc sống hiện tại của các em. Phân tích các bài luận này cho thấy bốn chủ đề chính. Đầu tiên là các mối quan hệ. Ở đây, mối quan tâm chính là bạn bè, gia đình và hẹn hò. Ví dụ, một trẻ vị thành niên đã viết, “Tôi muốn phát triển các kỹ năng xã hội của mình”, cho thấy sự thiếu tự tin trong lĩnh vực này. Một số lo ngại về việc bị loại khỏi các nhóm bạn đồng lứa, một số về xung đột với cha mẹ, một số lo lắng về việc bị bạn hẹn hò làm cho thất vọng. Chủ đề thứ hai là hành động hàng ngày. Ở đây, hai mối quan tâm chính là trường học và khả năng hoạt động. Ví dụ, một trẻ đã viết, “rất khó để bắt đầu làm một điều gì đó”. Một số cảm thấy khó khăn khi phải đương đầu với áp lực học đường. Những trẻ khác không thể làm những việc mà trẻ thường yêu thích, chẳng hạn như đến phòng tập thể dục. Chủ đề thứ ba là bản sắc/ sự tự tin. Các vấn đề ở đây là sự tự tôn kém và lo lắng về tương lai. Một trẻ đã viết, “Tôi vô cùng kém tự tin về bản thân”. Họ thường lo lắng về ngoại hình và cân nặng của họ. Các mối quan tâm khác là về những thách thức của sự độc lập của bản thân và cách họ sẽ đối phó trong tương lai. Chủ đề thứ tư là hạnh phúc. Hai mối quan tâm chính ở đây là cách suy nghĩ và sức khỏe tâm thần nói chung. Một trẻ đã viết, “Tôi muốn kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn và thậm chí chấp nhận những giai đoạn tồi tệ hơn”. Đối với một số người, cuộc sống của họ dường như rối tung và họ không thể suy nghĩ rõ ràng về mọi thứ. Những người khác lo lắng về việc đối phó với cảm giác tức giận, buồn bã và thay đổi tâm trạng. Các nhà nghiên cứu này cũng sử dụng nền tảng internet mà dữ liệu được thu thập để cung cấp hỗ trợ thông qua các bài tập và phản hồi hàng tuần về phản ánh và sự tự lực.

Suy nghĩ tự tử và cố gắng tự sát

Một hậu quả rất nghiêm trọng của trầm cảm, thường kết hợp với các yếu tố khác, có thể là suy nghĩ về việc tự sát (ý tưởng tự sát), tự làm hại bản thân, cố gắng tự tử và trong một số trường hợp bi thảm là tự sát thực sự. Như một trong những trẻ vị thành niên trong nghiên cứu Phần Lan (ở trên) đã viết, ‘Tôi thấy những đen tối trong cuộc sống của mình: buồn bã, tức giận (rất nhiều tức giận), tuyệt vọng và đau đớn. Tôi cảm thấy cuộc đời này chỉ là một cuộc chạy đua với tử thần và tôi chỉ đang chờ đợi sự chung tay giúp đỡ… ’.

Trong khi các vụ tự tử hoàn thành rất hiếm khi xảy ra, nhưng số lượng lớn hơn nhiều người trẻ tuổi đôi khi nghĩ đến việc tự tử hoặc họ tự làm hại bản thân theo một cách nào đó. Cuộc khảo sát YRBS 2013 ở Hoa Kỳ cho thấy, với khoảng 17% trẻ cân nhắc nghiêm túc về việc có ý định tự tử trong 12 tháng qua và 8% nói rằng họ đã thực sự cố gắng, những con số này có vẻ cao đáng báo động.

Các cuộc khảo sát tự báo cáo có những hạn chế và người ta có thể tự hỏi những số liệu này chính xác đến mức nào. Nhưng một nghiên cứu về những người trẻ từ 10–17 tuổi ở 16 bang của Hoa Kỳ cho thấy tự tử là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba, sau vô ý gây thương tích và giết người. Bằng chứng từ các báo cáo pháp lý và y tế cho thấy nguyên nhân chính của các vụ tự tử là do các vấn đề chung về mối quan hệ với bạn bè hoặc cha mẹ (51%); các vấn đề về mối quan hệ thân mật với bạn trai / bạn gái hoặc cha mẹ trong trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên (27%); và các vấn đề ở trường học (26%). Trong gần một nửa số trường hợp (42%), có một số căng thẳng hoặc khủng hoảng trong cuộc sống gần đây hoặc sắp xảy ra.

Khác biệt về giới

Điều đáng chú ý là nữ giới có số điểm trầm cảm cao hơn nam giới khoảng gấp đôi. Sự mất cân bằng giới tính này khá đặc trưng của nhiều rối loạn nội tâm hóa ở tuổi vị thành niên, bao gồm cả rối loạn ăn uống. Nó đối lập với nhiều vấn đề bên ngoài, trong khi đối với việc sử dụng ma túy thì không có nhiều sự khác biệt về giới tính. Những khác biệt này giữa thanh thiếu niên nam và nữ có thể liên quan đến các chiến lược ứng phó khác nhau, hơn là do các nguyên nhân khác nhau gây ra căng thẳng. Ví dụ, nghiên cứu về các vụ tự tử ở Hoa Kỳ, đã được thảo luận trước đó, cho thấy rằng các hoàn cảnh dẫn đến tự tử không khác nhau nhiều theo giới tính. Tuy nhiên, để đối phó với căng thẳng, nam giới có vẻ dễ thực hiện các hành vi mạo hiểm hoặc hung hăng hơn, trong khi nữ giới có vẻ dễ bị trầm cảm và tự làm hại bản thân.

Các yếu tố nguy cơ

Bên cạnh việc là nữ, nhiều yếu tố nguy cơ khác của rối loạn trầm cảm ở tuổi vị thành niên đã được xác định. Nếu có tiền sử gia đình bị trầm cảm, có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy nhiên, một số dữ liệu cũng được tìm thấy trong các gia đình nhận nuôi, chỉ ra tầm quan trọng của phong cách nuôi dạy con cái. Sự trừng phạt nghiêm khắc của cha mẹ về thể xác, sự kiểm soát không có tình cảm, sự từ chối và lạm dụng dự báo rất nhiều về chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã xem xét các yếu tố nguy cơ dẫn đến các nỗ lực tự tử ở học sinh lớp 9 và 11 (khoảng 14–15 và 16–17 tuổi). Trầm cảm là một yếu tố nguy cơ ở cả hai lứa tuổi. Ở lớp 9, các yếu tố nguy cơ khác bao gồm sử dụng ma túy bất hợp pháp và khuynh hướng tình dục đồng giới. Ở lớp 11, các yếu tố nguy cơ bao gồm lạm dụng tình dục, và thuộc chủng tộc hoặc dân tộc ‘khác’ (chủ yếu là người châu Á hoặc người Mỹ bản địa).

Xu hướng tình dục đồng giới có thể là một yếu tố nguy cơ do bắt nạt. Tất nhiên, bị bắt nạt cũng ảnh hưởng đến những học sinh không thuộc cộng đồng đồng tính luyến ái. Thiếu tự tin và trầm cảm được biết là những hậu quả có thể xảy ra của những trải nghiệm trở thành nạn nhân kéo dài. Ví dụ, một nghiên cứu về học sinh Áo từ 14-19 tuổi đã đánh giá chứng trầm cảm và các triệu chứng rối nhiễu, chẳng hạn như đau bụng, có liên quan đến việc bị bắt nạt.

Các yếu tố bảo vệ, khả năng phục hồi và các biện pháp can thiệp

Những căng thẳng như các vấn đề trong mối quan hệ, khó khăn ở trường học và lo lắng về ngoại hình có thể ảnh hưởng đến nhiều trẻ vị thành niên, nhưng một số rõ ràng đối phó tốt hơn những người khác. Các yếu tố bảo vệ đã được xác định trái ngược với các yếu tố nguy cơ. Chúng bao gồm thành tích học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa và các mối quan hệ tích cực với người khác bên ngoài gia đình.

Khả năng phục hồi có thể được định nghĩa là làm tốt bất chấp nghịch cảnh. Làm tốt có nghĩa là sử dụng các chiến lược ứng phó thành công. Những điều này sẽ tùy thuộc vào tình huống, nhưng thường bao gồm tìm kiếm hỗ trợ xã hội hoặc tư vấn và tham gia vào việc giải quyết vấn đề mang tính xây dựng. Trong nghiên cứu ở Hoa Kỳ (đã đề cập trước đó), một yếu tố bảo vệ đã sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề có hệ thống trong suy nghĩ về vấn đề của họ. Các chiến lược ít thành công hơn là cố gắng và bỏ qua những khó khăn; tham gia vào các hành vi tiếp tục nội bộ hóa như tự làm hại bản thân hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp; hoặc tham gia vào các hành vi hướng ra bên ngoài như đánh nhau và chấp nhận rủi ro nguy hiểm.

Các biện pháp can thiệp có thể xây dựng dựa trên kiến ​​thức của chúng ta về các yếu tố nguy cơ và bảo vệ. Tư vấn có thể được cung cấp cả trực tiếp hoặc qua internet. Một số chương trình can thiệp khuyến khích các kỹ năng giải quyết vấn đề. Ví dụ, một mô hình sáu bước là: 1. Dừng lại, bình tĩnh và suy nghĩ trước khi hành động. 2. Trình bày rõ vấn đề và cảm nhận của bạn. 3. Đặt mục tiêu tích cực. 4. Nghĩ ra nhiều giải pháp. 5. Suy nghĩ trước hậu quả. 6. Hãy thử phương án tốt nhất. Các chương trình khác có thể tập trung vào giải quyết các vấn đề hoặc stress cụ thể hơn. Ví dụ, cách đối phó với cái chết của cha/ mẹ hoặc ly hôn; hoặc làm thế nào để tránh sử dụng thuốc quá nhiều.

Các chiến lược ứng phó có ý thức, kĩ năng giải quyết vấn đề hay sự tự tôn có thể được tìm hiểu thông qua chương trình tâm lý học, được giảng dạy như là một học phần hay một chứng chỉ ở cuối phổ thông. Tôi cho rằng, nó cực kì hữu ích với trẻ vị thành niên trong hành trình tự khám phá bản thân. Lưu ý, chương trình này tập trung vào tâm lý học nhận thức, không phải các kĩ năng sống đang được mời gọi tràn lan. Tại Mĩ, chứng chỉ AP về tâm lý học cung cấp nội dung này (tôi đã xem nội dung text book của chương trình này). Tôi cũng mới được nghe một trung tâm giáo dục, đến từ Anh, cung cấp một chương trình tâm lý ở cấp độ GCSE và A level, nhưng chưa rõ nội dung cụ thể. Trong bối cảnh mà thế hệ các phụ huynh không được cung cấp thông tin về tâm lý học, thì việc trẻ vị thành niên tiếp cận nội dung này là một cách hay.

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa được tác giả Peter K. Smith đề cập là vấn đề giới tính, quan hệ tình dục và mang thai sớm ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, vấn đề quan hệ tình dục và mang thai sớm ở Việt Nam có sự khác biệt lớn so với Mĩ và Anh, nên tôi không dẫn ở đây. Còn vấn đề giới tính với các khía cạnh: bản dạng giới, thể hiện giới, khuynh hướng tình dục và chuyển giới, sẽ đề cập đến trong một nội dung khác, về vấn đề giới tính nói chung.