Năm 1799 William Herschel dùng nhiệt kế để thăm dò nhiệt độ từng vùng của quang phố. Ông nhận thấy rằng, nhiệt độ tăng vọt lên rất cao khi ra ngoài vùng tia đỏ. Như thế, có một loại bức xạ không thấy được nằm ngoài tia đỏ của quang phố và được đặt tên là hồng ngoại. Đó chính là sóng điện từ có bước sóng giữa 400.000nm và 770nm.
- NGUỒN PHÁT XẠ
Bất kỳ một vật nóng nào cũng đều phát tia hồng ngoại. Vì thế có rất nhiều nguồn để tạo ra chúng như mặt trời, khí nóng, than đá, dây điện v.v..
Tại khoa phòng vật lý trị liệu, nguồn phát xạ được chia làm hai nhóm chính : nguồn không phát quang và có phát quang.
1.1. Nguồn không phát quang:
Loại đơn giản nhất để tạo tia hồng ngoại là dùng một điện trở cuộn quanh một vật cách điện và chịu được lửa như đồ sứ. Bộ phận này được đặt ở tiêu điểm của một gương lõm để phản xạ bức xạ về một phía. Khi dòng điện chạy qua, dây nóng đỏ phát ra bức xạ hồng ngoại và các tia màu hồng thấy được. Vì thế, loại này thật sự không hoàn toàn là nguồn không phát quang. Nguồn không phát quang tạo ra tia hồng ngoại có bước sóng từ 15.000 đến 770nm và nhiều nhất ở các tia ở vùng 4.000nm.
đèn hồng ngoại không phát sáng, phát nhiệt bằng lỗi sứ
1.2. Nguồn phát quang: Bức xạ phát ra từ nguồn phát quang được tạo bởi một hay nhiều bóng đèn cháy sáng. Đèn có bóng bằng thuỷ tinh trong suốt, trong đó là chân không hay khí trơ. Tim đèn làm bằng tungsten. Đèn có thể có loa tụ quang hay mặt sau bóng được tráng thuỷ để phản xạ toàn bộ bức xạ ra phía trước. Khi có dòng điện chạy qua, tim đèn được đốt nóng tạo ra nhiệt, tia hồng ngoại bức xạ sáng và một ít tử ngoại. Phố ánh sáng đi từ 4.000 đến 3.500nm và nhiều nhất là các tia có bước sóng khoảng 1.000nm. Đèn còn có thể được trang bị các bộ phận khu trú để sử dụng cho điều trị cục bộ, cũng như các tấm kính lọc để chỉ cho qua các bức xạ cùng màu và cản tia tử ngoại.
đèn hồng ngoại
- TÁC DỤNG SINH LÝ
Khi bức xạ hồng ngoại được hấp thụ bởi các mô của cơ thể, nhiệt được tạo ra từ điểm hấp thụ và chuyển đến các vùng xung quanh do vòng tuần hoàn hay bằng sự tiếp xúc trực tiếp. Sự xâm nhập của các tia phụ thuộc vào bước sóng của chúng. Các bức xạ hồng ngoại có bước sóng ngắn hơn sẽ xuyên sâu hơn và ngược lại. Như vậy, các nguồn không phát quang chỉ có tác dụng đối với lớp da nông. Ngoài ra, nguồn phát quang, ngoài tia hồng ngoại còn có thêm bức xạ sáng và các tia tử ngoại dài nên nếu được hấp thụ nó sẽ tạo ra các phản ứng hoá học có thể gây hiệu quả kích thích nhẹ. Sự kích thích có thể được loại trừ nhờ sử dụng các tấm kính lọc đối với nguồn phát quang.
Nhờ hiệu ứng nhiệt mà tia hồng ngoại có các tác dụng sau :
2.1. Tác dụng tại chỗ
2.1.1. Tác dụng giãn mạch: Trong vòng vài phút sau khi chiếu, khi da trở nên ấm thì các mạch máu ngoại biên sẽ giãn nở gây nên hiện tượng đỏ da do xung huyết. Da càng nóng, độ đỏ da càng đậm. Sự giãn mạch ngoại vi là do tác dụng trực tiếp của nhiệt, ngoại trừ khi chiếu rất nhẹ thì nó kích thích các mút tận cùng cảm giác tạo nên giãn mạch phản xạ. Kết quả là tuần hoàn tại chỗ tăng, gia tăng sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng, gia tăng chuyển hoá và tăng cường quá trình bài tiết của tuyến mồ hôi.
2.1.2. Tác dụng trên dây thần kinh cảm giác: Nóng nhẹ có hiệu quả làm dịu các đầu dây thần kinh thụ cảm. Cơ chế có thể là do ngưỡng tiếp thụ cảm giác của các đầu thụ cảm gia tăng. Ngược lại, khi cường độ sưởi nóng nhiều hơn lại có tác dụng kích thích. Tác dụng này thường được nhận thấy do các bức xạ phát ra nguồn phát quang.
Điều đó có lẽ là do tác động của các tia sáng bước sóng dài tử ngoại hơn là do tia hồng ngoại. Tác dụng kích thích này có thể ức chế được các cơn đau tại vùng chiếu. Cơ chế giảm đau này có thể là do một hình thức ức chế bảo vệ tại các cơ quan thụ cảm, hay do gia tăng quan trọng một số lượng kích thích làm đậu thụ cảm trở nên bất ứng.
2.1.3. Tác dụng lên mô cơ: Gia tăng nhiệt độ làm cho cơ thư giãn và gia tăng hiệu năng co cơ. Các sợi co và giãn nhanh hơn và sự thư giãn các cơ đối kháng cho phép các cơ chủ vận hoạt động dễ dàng hơn.
2.1.4. Sự đen da: Chiếu hồng ngoại nhiều lần làm cho da sạm lại. Khác với sự thành lập hắc sắc tố do bức xạ tử ngoại, bức xạ hồng ngoại làm thoái biến một số hồng cầu. Vì thế đen da do hồng ngoại có tính chất loang lổ.
2.2. Tác dụng toàn thân
Nếu điều trị với diện rộng và kéo dài thì thân nhiệt gia tăng. Máu ngoại vi nhận nhiệt lượng và chuyển đi khắp cơ thể. Máu được sưởi nóng sẽ kích thích trung khu điều hoà thân nhiệt hoạt động. Hậu quả là giãn mạch toàn thể hệ thống mạch ngoại biên, gia tăng hoạt động của tuyến mồ hôi. Hiệu quả xa hơn là sự giãn mạch đưa đến hạ huyết áp cũng như tăng hoạt tuyến mồ hôi làm gia tăng sự thải bỏ chất cặn bã.
3.TÁC DỤNG ĐIỀU TRỊ VÀ ỨNG DỤNG LÂM SÀNG
3.1. Gia tăng lưu lượng tuần hoàn .Hiệu quả này thường được nhận thấy ở các mô nông, nên bức xạ hồng ngoại được sử dụng để điều trị các vết thương cạn và nhiễm trùng ngoài da. Sự gia tăng cung cấp máu làm sự nuôi dưỡng mô được cải thiện, số lượng bạch cầu đến vết thương nhiều hơn. Vì thế vết thương chóng lành sẹo và chóng lên da non.
Gia tăng sự tiết mồ hôi làm tiêu tan các chất dịch thâm nhập các tổ chức dưới da, nên hồng ngoại giải quyết được một số trường hợp phù do viêm, phù do ứ trệ tuần hoàn. Như thế các mút thần kinh thụ cảm được giải phóng khỏi sự chèn ép của các tổ chức viêm.
3.2. Giảm đau
Bức xạ hồng ngoại thường được sử dụng để giảm đau. Tác dụng này dựa vào tính chất làm dịu các đầu thần kinh thụ cảm. Vì thế, hồng ngoại có hiệu quả với một số trường hợp đau lưng cơ năng, các cơn đau khớp, đau do viêm dây thần kinh, do chấn thương v.v…
Cân nhớ rằng, trong các trường hợp viêm cấp hay tổn thương mới, nhiệt độ vừa phải có hiệu quả tối đa. Ngược lại, điều trị cường độ quá cao làm gia tăng sự tiết dịch và làm gia tăng cơn đau do chèn ép. Khi đau do bệnh mãn tính thì liều lớn lại được áp dụng dựa vào hiệu quả kích thích.
Ngoài tác dụng lên mút thần kinh thụ cảm, tác dụng giảm đau còn dựa vào hiệu quả giảm viêm, giảm sưng cũng như thư giãn cơ của hồng ngoại.
3.3. Giãn cơ
Cơ thư giãn hoàn toàn khi mô được sưởi ấm và sự giảm đau cũng làm thư giãn dễ dàng. Vì thế bức xạ hồng ngoại có thể giúp cơ đạt được sự thư giãn và làm giảm sự co thắt khi bị tổn thương hay viêm nhiễm.
Dựa trên hiệu quả này, bức xạ hồng ngoại được sử dụng để chuẩn bị trước khi tập vận động. Tầm hoạt động khớp được gia tăng và các động tác thực hiện được dễ dàng hơn.
- KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ
4.1. Chọn đèn Trong nhiều trường hợp, hai loại đèn phát quang và không phát quang đều như nhau, nhưng trong một số trường hợp thì loại này lại thích hợp hơn loại kia. Ở các tổn thương mới hay viêm nhiễm cấp, tác dụng làm dịu của đèn không phát quang hiệu quả tác dụng phản kích thích (tác dụng kích thích giảm đau) của nguồn phát quang. Trong các bệnh mãn tính, tác dụng kích thích của tia ngắn hơn có giá trị lớn nên loại đèn phát quang được chọn.
Tuỳ theo vùng cơ thể điều trị mà chọn các loại đèn. Nếu chỉ một mặt cơ thể cần được chiếu thì chỉ cần một nguồn và bộ phận phản xạ đơn giản. Nhưng nếu cần điều trị nhiều phía thì hầm tắm ánh sáng có hiệu quả hơn. Nhiệt độ trong hâm tắm cao nên nó thích hợp cho các trường hợp tổn thương mãn tính.
Trước khi sử dụng cần kiểm tra sự hoạt động hoàn hảo của đèn và các bộ phận khu trú hay kính lọc ánh sáng. Đèn không phát quang cần bật một thời gian trước khi sử dụng.
.4.2. Chuẩn bị bệnh nhân Vùng điều trị cần được bộc lộ và trong lần điều trị đầu trên, phải thử cảm giác nóng – lạnh của người bệnh. Nếu cảm giác kém thì không nên điều trị.
Dặn bệnh nhân phải báo ngay nếu như có cảm giác quá nóng vì có thể bị bỏng. Không được chạy vào đèn hay nhích lại gần đèn hơn. Người bệnh phải có cảm giác thoải mái và dễ chịu trong suốt quá trình điều trị.
4.3. Sắp xếp đèn và bệnh nhân
Xoay đèn cho các tia chiếu thẳng góc vào da, nhưng đèn phải để chiếu ngang hay xiên từ một bên vào chỗ đau để tránh trường hợp đèn rơi thẳng xuống da có thể gây bỏng. Khoảng cách tuỳ thuộc vào công suất của đèn và thường là 50-60cm.
Chú ý bảo vệ mặt bệnh nhân bằng cách khu trú vết thương hay che mặt bằng một mảnh giấy. Nếu cần phải chiếu ở vùng mặt thì phải che mắt bằng bông gòn tẩm nước.
Trường hợp dùng hầm tắm ánh sáng thì che hầm bằng màu để tận dụng năng lượng do hồng ngoại sinh ra. Không khí trong hầm trở nên ấm và bệnh nhân được sưởi nóng một phần bởi bức xạ và một phần bởi không khí nóng.
4.4. Phương thức tiến hành.
Khởi đầu điều trị, cường độ bức xạ cần thấp, sau 5 – 10 phút, khi đã có sự giãn mạch và gia tăng bằng cách thu ngắn khoảng cách, điều chỉnh biến trở hay tăng số lượng bóng đèn sử dụng trong hầm tắm.
Trong khi điều trị, thỉnh thoảng kỹ thuật viên phải kiểm tra lại tư thế đèn, vị thế bệnh nhân, khoảng cách vv.. và sẵn sàng đối phó để giảm bớt cường độ bức xạ nếu bệnh nhân có biểu hiện ra mồ hôi nhiều do quá nóng. Cần chuẩn bị sẵn nước uống để sử dụng trong những trường hợp tiết mồ hôi quá độ. ..
Sau đợt điều trị, da đỏ vừa phải, màu hồng, bệnh nhân có cảm giác ấm nóng nhưng dễ chịu. Khi điều trị xong, bệnh nhân không nên bật dậy hay đi ra lạnh tức thời.
4.5. Thời gian và số lần điều trị.
Đối với các tổn thương mới hay viêm cấp tính và để điều trị các vết thương nhiễm trùng, thời gian điều trị khoảng 10 – 15 phút nhưng có thể dùng nhiều lần trong một ngày. Thời gian dài hơn dành cho các trường hợp mãn tính, khoảng 30 phút và dùng hàng ngày hay cách nhật.
- NHỮNG TAI BIẾN KHI ĐIỀU TRỊ BẰNG HỒNG NGOẠI.
5.1. Bỏng
Chiếu tia hồng ngoại có thể gây bỏng nông. Bỏng có thể xuất hiện trong lúc điều trị hay sau đó với một vết đỏ da rồi biến thành phỏng nước. Bỏng thường do sử dụng cường độ bức xạ quá lớn mà bệnh nhân lại không hiểu rõ bản chất của cuộc điều trị, nên không báo cho kỹ thuật viên khi nhiệt độ tăng cao, di chuyển lại gần đèn hay ngủ quên khi điều trị.
Bỏng cũng xảy ra nếu cảm giác da của bệnh nhân bị rối loạn, nên không thể ghi nhận được sự gia tăng nhiệt độ quá mức; hoặc là do kỹ thuật viên không ở bên cạnh để có thể can thiệp kịp thời khi cần thiết. Bỏng còn xảy ra do chạm vào đèn đang còn nóng hoặc do bóng đèn rơi, chăn và gối có thể cháy gây nên bỏng, đặc biệt trong hầm tắm ánh sáng.
5.2. Điện giật
Xảy ra do chạm vào mạch điện, nhưng nguyên nhân chính là do dây nóng tiếp xúc với các bộ phận dẫn điện của đèn.
5.3. Hoại thư
Tai biến này xảy ra do sử dụng tia hồng ngoại ở nhiều vùng da có rối loạn tuần hoàn, do không thể cung cấp đủ nhu cầu oxy cho mô trong khi quá trình biến dưỡng gia tăng dưới tác dụng nhiệt.
5.4. Đau đầu
Đau đầu có thể xảy ra do chiếu hồng ngoại đặc biệt trong trường hợp mồ hôi không bài tiết hay điều trị trong điều kiện thời tiết quá nóng. Đây là biểu hiện của một tình trạng say nóng.
5.5. Táo bón Do bệnh nhân đổ mồ hôi mà không được bù đắp đủ lượng nước cần thiết. 5.6. Ngất | Chiếu hồng ngoại trên diện rộng gây nên hạ huyết áp có thể làm bệnh nhân ngất xỉu do thiếu máu não. Ngất cũng xảy ra khi bệnh nhân ngồi bật dậy sau khi điều trị toàn thân.
5.7. Ớn lạnh
Chiếu toàn thân gây tăng thân nhiệt có thể đạt đến 1°C. Nếu bệnh nhân ra khỏi phòng điều trị ngay thì có thể có cảm giác ớn lạnh.
5.8. Tổn thương mắt Có giả thiết cho rằng tia hồng ngoại có thể gây đục thuỷ tinh thể. Cũng có thể hồng ngoại gây nên bỏng võng mạc, nên cần phải bảo vệ mắt khi sử dụng hồng ngoại.
- CHỐNG CHỈ ĐỊNH.
Không được dùng hồng ngoại để điều trị trong những chấn thương mới vì có nguy cơ làm tăng phù nề, chảy máu, những trường hợp nhiễm trùng sâu có mủ làm nhiễm khuẩn lan rộng; bệnh nhân có u lành hay u độc làm u phát triển nhanh, bệnh nhân có khuynh hướng chảy máu và bệnh nhân mất cảm giác nóng lạnh hay rối loạn cung cấp.
Bài này mình trích từ “Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng”, tác giả là GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên. Bài viết cung cấp cho chúng ta lượng kiến thức rất đầy đủ từ khái niệm tia hồng ngoại là gì, tác dụng sinh lý, cơ chế tác dụng điều tri, và các tai biến khi sử dụng , cách sử dụng đèn hồng ngoại làm sao cho hiệu qủa. Chủ yếu trên lâm sàng chúng ta hay sử dụng đèn hồng ngoại trong các bệnh cơ xương khớp là chính, sau khi đọc xong bài này chúng ta sẽ ứng dụng nhiều hơn các mặt bệnh khác như giúp vết thương chóng lành sẹo và chóng lên da non.
Sử dụng đèn hồng ngoại để giảm đau là phương pháp thường xuyên được áp dụng tại Phòng Khám Á đông. Đây là một thủ thuật đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả điều trị cao rất là khi kết hợp với phương pháp châm cứu. Tuy nhiên vẫn cần sự giám sát và tư vấn của bác sĩ trước khi người bệnh muốn sử dụng phương pháp này.
Chiều đèn hồng ngoại kết hợp châm cứu điều trị đau tê chân.
Leave A Comment