Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là hiện tượng nhân nhầy đĩa đệm thoát khỏi vị trí thông thường, chèn ép vào rễ thần kinh, gây đau thắt lưng, lan theo rễ thần kinh xuống chân (đau thần kinh tọa).
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cơ bản là điều trị nội khoa. Khi điều trị nội khoa trên 06 tuần không cải thiện, không đáp ứng điều trị nội khoa thậm chí với các thuốc giảm đau gây nghiện hay thoát vị đĩa đệm có các tổn thương vận động (liệt một hoặc nhiều nhóm cơ) thì người bệnh sẽ được chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm. Chỉ định mổ cấp cứu khi bệnh nhân có rối loạn cơ tròn, tổn thương vận động trong vòng 24-48 giờ.
Có nhiều phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm, đó là mổ mở, lấy nhân nhầy giải ép rễ thần kinh; mổ vi phẫu qua ống nong hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, tùy từng bệnh nhân, thể thoát vị mà bác sĩ có chỉ định mổ bằng phương pháp phù hợp nhất.
Các triệu chứng của người bệnh sẽ cải thiện nhiều nhất trong vòng 3 tháng đầu tiên, tuy nhiên dự kiến sẽ cải thiện thêm trong vòng 12 tháng. Cơn đau có xu hướng cải thiện nhanh hơn (chủ yếu trong vòng 2-6 tuần đầu). Cải thiện tình trạng yếu cơ, tê cứng và kim châm mất nhiều thời gian hơn (vài tháng, thậm chí nhiều năm). Mặc dù phẫu thuật có thể làm giảm chèn ép lên dây thần kinh nhưng có 10-25% số người không hồi phục hoàn toàn sức mạnh của cơ và khoảng 50% bệnh nhân còn lại cảm giác tê. Điều này do các tổn thương không thể phục hồi đã xảy ra trước khi phẫu thuật.
Khi nào người bệnh sẽ được tái khám sau cuộc phẫu thuật?
Lần tái khám đầu tiên sẽ là 2 tuần sau khi bạn phẫu thuật. Mục đích của lần tái khám này là để kiểm tra sự tiến triển của bạn, đánh giá vết thương, thảo luận về chiến lược trở lại làm việc của bạn và giới thiệu bạn đến bác sĩ vật lý trị liệu để hỗ trợ quá trình này.
Lần thăm khám thứ hai và lần cuối cùng được lên kế hoạch từ 6 đến 8 tuần sau khi phẫu thuật để đảm bảo quá trình hồi phục của bạn vẫn đúng hướng.
Người bệnh nên làm gì trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật?
Ngay sau khi người bệnh thấy thoải mái (đau không ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân ..), người bệnh có thể an toàn trở lại mọi hoạt động bình thường. Tuy nhiên ban đầu bạn nên tránh nâng nặng hoặc chơi các môn thể thao. Đi bộ được khuyến khích và có thể bắt đầu ngay lập tức. Nếu có điều kiện, bạn có thể tập vật lý trị liệu với bác sĩ chuyên khoa sau khi mổ 02 tuần.
Khi nào người bệnh có thể trở lại làm việc?
Người bệnh không nên thụ động chờ đợi sau phẫu thuật đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hầu hết những người làm công việc văn phòng có thể trở lại làm việc trong vòng 2-3 tuần, và 4-6 tuần đối với cho những người làm công việc chân tay liên quan đến việc khuân vác nặng.
Khi nào người bệnh có thể trở lại các hoạt động thể thao?
Khoảng 80 – 90% vận động viên trở lại chơi thể thao ở các cấp độ sau khi phẫu thuật đĩa đệm thắt lưng. Các vận động viên giải trí trong các môn thể thao không va chạm có thể quay trở lại thi đấu sau 6 đến 8 tuần. Các môn thể thao như bóng bầu dục hay các môn va chạm khác có thể trở lại trong khoảng từ 8-12 tuần tuy nhiên cần tăng dần mức độ tập luyện từ từ.
Người bệnh cần làm gì khác để tối ưu hóa quá trình hồi phục của mình?
Các nghiên cứu cho thấy rằng béo phì có liên quan đến kết quả xấu hơn hơn sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nỗ lực giảm cân rất quan trọng đối với sự phục hồi và sức khỏe của cột sống trong tương lai. Thay đổi chế độ ăn uống nhằm giảm cân là rất quan trọng đối với sự chịu tải của cột sống và quá trình hồi phục. Hút thuốc lá cũng làm hiệu quả phẫu thuật thoát vị đĩa đệm kém hơn.
Những nguy cơ có thể xảy ra thoát vị tái phát là gì?
Các thành phần còn lại của đĩa có khả năng bị sa xuống do tổn thương ban đầu ở bao xơ đĩa đệm dẫn đến thoát vị đĩa đệm tái phát. Tỷ lệ thoát vị tái phát là 5-7% trường hợp. Các lựa chọn điều trị nếu tái phát bao gồm phẫu thuật lại hoặc điều trị bảo tồn như thoát vị ban đầu. Điều quan trọng là khả năng thoát vị tái phát không liên quan đến mức độ hoạt động của bạn sau khi phẫu thuật. Vì vậy người bệnh có thể an toàn trở lại làm việc và thực hiệncác hoạt động bình thường của mình theo khung thời gian ở trên.
Người bệnh có cần phẫu thuật lại trong tương lai không?
Lý do phổ biến nhất cho việc phẫu thuật lại là thoát vị đĩa đệm tái phát (xem ở trên).
Mặc dù phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có hiệu quả trong việc giảm đau chân, tuy nhiên nó không thể đảo ngược được tình trạng tổn thương của đĩa đệm. Do đó, một số ít bệnh nhân có thể bị đau thắt lưng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều chấp nhận được tình trạng này mà không có quá nhiều hạn chế trong sinh hoạt. Chỉ khoảng 10% bệnh nhân, cơn đau cần điều trị thêm. Một số ít trong số này cần phẫu thuật kết xương, cố định cột sống.
Nguồn : TS.BS Nguyễn Khắc Hiếu – Khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện TƯQĐ 108
Á ĐÔNG
DỊCH VỤ BÁC SĨ KHÁM, CHÂM CỨU, XOA BÓP BẤM HUYỆT, TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU
NẮN CHỈNH ĐỐT SỐNG #TẠI_NHÀ, #CƠ_QUAN
#người_làm_văn_phòng đang gặp:
1. Đau nhức khó chịu vùng vai gáy
2. Đau lưng, ê mỏi vung hông xuống chân
3. Người mệt mỏi, co cơ
4. Lưng bị gù, các khớp kêu lạo xạo…vv
Cơ, khớp đang quá tải, chèn ép rễ dây thần kinh, mạch máu nên #tê_bì, chóng mặt có thể dẫn đến thoát vị, teo cơ… Cần được trị liệu từng đợt.
Phòng khám cung cấp dịch vụ châm cứu, xoa bóp bấm huyệt trị liệu #tại_nhà, không đau, an toàn, hiệu quả.
Không còn tê bì nhức mỏi sau mỗi liệu trình điều trị
Đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ xương khớp đang làm việc tại tuyến trung ương: bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện Tuệ Tĩnh…
Leave A Comment