BỆNH PHỔI MÃN TÍNH LÀ GÌ?

Các bệnh phổi mạn tính có nhiều loại, đó là những bệnh phổi kéo dài trên 3 tháng trong một năm và thường kéo dài ít nhất 2 năm trở lên. Bài này đề cập đến hai bệnh Phổi mãn tính thường gặp nhất đó là: hen phế quản và viêm phế quản mãn tính.

Hen phế quản

Hen phế quản là tình trạng các cơn khó thở do co thắt phế quản gây chít hẹp đường dẫn ôxy vào phổi gây khó thở.

Đây là bệnh khá thường gặp trên thế giới: ở Anh có 3-4,1% trẻ em bị hen phế quản, ở Việt Nam, vùng nông thôn gặp ở 1% và ở thành thị gặp ở 2% dân số. Trong các bệnh phổi, hen phế quản chiếm 18,7%. Hơn nửa số người bị hen phế quản bị bệnh trước 10 tuổi. Nam giới bị bệnh nhiều hơn nữ giới.

Viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm mãn tính niêm mạc phế quản do tăng tiết dịch nhầy gây ho khạc đờm, tắc nghẽn phế quản và rối loạn hô hấp. Những đợt ho khạc đờm kéo dài ít nhất tới 3 tháng trong năm, và ít nhất là 2 năm. (Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới).

Đây là bệnh khá thường gặp ở các nước. ở Pháp bệnh này chiếm 5% dân số, gặp riêng ở nam giới tới 18%. ở Việt nam, tình trạng cũng tương tự, 12% bệnh nhân viêm phế quản mãn tính điều trị nội trú tại khoa Hô hấp bệnh viện Bạch mai.

NHỮNG KHÓ KHĂN MÀ NGƯỜI BỆNH GẶP PHẢI

Hô hấp: Do co thắt, chít hẹp phế quản và đờm dãi tiết ra nhiều ở đường hô hấp nên gây khó thở, thiếu ôxy não.

Bội nhiễm: Những đợt có cơn hen tái phát nhiều có thể bị viêm nhiễm phế quản, làm nặng thêm tình trạng khó thở.

Công việc: Người bị bệnh phổi mãn tính bị giảm khả năng làm việc về trí tuệ và thể lực. Khó thở hạn chế khả năng vận động và làm việc.

Học hành: Ngoài cơn hen, tình trạng khó thở, thiếu ôxy não mãn tính có thể làm giảm khả năng tập trung, chú ý, hay ngủ gà.

Tâm lý/ tình cảm: người bệnh bị sức khoẻ hạn chế, tình cảm thường trầm cảm, hay cáu gắt; lo âu bệnh tật.

Xã hội/ gia đình: bệnh hô hấp mãn tính khiến người bệnh giảm khả năng tham gia các hoạt động của gia đình và cộng đồng. Xu hướng giảm giao tiếp, cách biệt

NGUYÊN NHÂN

  • Hút thuốc
  • Dị ứng bụi / khói
  • Dị ứng thực phẩm
  • Môi trường ô nhiễm
  • Các nguyên nhân khác
  • Các ổ nhiễm trùng mãn tính ở vùng mũi họng, răng

Y học/ Phục hồi chức năng

Điều trị hen phế quản:

Cắt cơn hen nhẹ: thuốc giãn phế quãn, thuốc kháng sinh, long đờm và chống dị ứng.

Nếu bệnh nhân không đỡ, cần chuyển lên các cơ sở y tế tuyến trên.

Chặn cơn hen: Điều trị giải mẫn cảm với chất gây dị ứng.

Thuốc xịt chặn cơn (Intal). Mỗi ngày xịt 2 – 3 lần, liên tục trong 3 tháng. Nghỉ 6 tháng lại tiếp tục. Kéo dài trong 3 năm.

Điều trị viêm phế quản mạn tính

Thuốc long đờm, chống phù nề niêm mạc phế quản, kháng sinh, chống co thắt phế quản

Thuốc giãn phế quản

Điều trị triệu chứng kèm theo

Gửi lên tuyến trên: trong các trường hợp cơn hen ác tính, không cắt cơn, hen nặng có suy hô hấp, hoặc viêm phế quản mạn tính có suy hô hấp, tâm phế mạn tính, cần chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp, dị ứng để điều trị.

Bài tập và vật lý trị liệu:

Tập thở để duy trì chức năng hô hấp: tập thở có tác dụng giãn nở các thuỳ phổi, tập thở cơ hoành. Mỗi động tác nên làm 20 – 30 lần vào các buổi sáng.

 

Bành trướng thuỳ dưới                                                                        Bành trướng thuỳ trên

 

Thở hoành

Đặt hai tay lên vùng phổi mong muốn được giãn nở. Yêu cầu người bệnh hít sâu một cách đặc biệt để khiến hai tay được di động nhịp nhàng theo nhịp thở.

Phục hồi chức năng hô hấp: tập vỗ rung, ho có trợ giúp, dẫn lưu tư thế khi có đợt viêm phế quản, có nhiều dịch tiết, đờm dãi.

Dẫn lưu tư thế: Một đầu giường kê cao 20 cm; để người bệnh nằm ngửa, đầu thấp, nằm nghiêng bên hoặc nằm sấp tuỳ theo vị trí cần dẫn lưu. Để họ nằm trong 15 phút – 30 phút.

Chú ý: nếu người bệnh có cao huyết áp hoặc suy tim thì không được làm dẫn lưu tư thế.

20 cm

Vỗ rung: trong lúc dẫn lưu tư thế hoặc khi người bệnh ngồi dậy hoặc nằm, dùng hai bàn tay khum khum, vỗ nhịp nhàng, đều đặn vào lồng ngực người bệnh. Vỗ rung khiến dịch tiết ở lòng phế nang và phế quản long ra và dễ khạc ra ngoài.

Tăng cường vận động cơ thể: tập thể dục, đi bộ, bơi lội để cải thiện hoạt động tim mạch và hô hấp khi chưa có suy tim và suy hô hấp.

Hướng nghiệp, việc làm

Chọn nghề cần cân nhắc: điều kiện môi trường nơi làm việc, tránh công việc nơi có nhiều bụi công nghiệp (than, hoá chất, quần áo… ) nhiệt độ cao, hoặc ngoài trời có gió lạnh, tiếp xúc với lông động vật… Tránh công việc nặng nhọc phải gắng sức…

Thay đổi môi trường

Những trường hợp khó kiểm soát các cơn hen, hen nặng… người bệnh có thể phải thay đổi nơi sinh sống, nghề nghiệp, nơi làm việc… để tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Hỗ trợ của gia đình và xã hội

Gia đình hỗ trợ về tâm lý, kinh tế và thời gian chăm sóc người bệnh, cùng họ tham gia điều trị và tập luyện tăng cường sức khoẻ. Bên cạnh đó, việc học nghề, chọn nghề, việc làm phù hợp là một trong những vấn đề gia đình cùng giúp người bệnh giải quyết.

Tổ chức người khuyết tật

Cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, theo dõi và tập luyện, việc làm và hoà nhập xã hội.

Nguồn: PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH PHỔI MẠN TÍNH (healthvietnam.vn)