Vị trí nằm của người TBMMN

Đặt tư thế người TBMMN

Người bệnh cần được đặt ở tư thế đúng để giảm bớt mẫu co cứng, đề phòng biến dạng khớp. Có các tư thế đặt bệnh nhân sau:

Nằm ngửa

Vai và hông bên liệt được kê gối mềm, khớp gối gập nhẹ; cổ chân được kê vuông góc với cẳng chân để tránh biến dạng gập bàn chân về phía lòng bàn chân.

Tư thế bệnh nhân khi nằm ngửa

Nằm nghiêng sang bên liệt

  1. Vai bên liệt gập, cánh tay duỗi vuông góc với thân, thân mình nửa ngửa, chân liệt duỗi.
  2. Tay lành để trên thân hoặc gối đỡ phía lưng. Chân lành gập ở háng và gối

Tư thế nằm nghiêng sang bên liệt

Nằm nghiêng sang bên lành

  1. Vai và cánh tay bên lành để tự do. Chân lành để duỗi.
  2. Thân mình vuông góc với mặt giường. Tay liệt có gối đỡ để vuông góc với thân.Chân liệt có gối đỡ ở tư thế gập háng và gối.

Tư thế nằm nghiêng sang bên lành

Cách lăn trở người bị TBMMN

Nên hướng dẫn để người bệnh tự lăn trở, nếu khó khăn trong giai đoạn đầu người nhà có thể hỗ trợ người bệnh lăn trở, cách hỗ trợ như sau:

Lăn sang bên liệt

  1. Nâng tay và chân lành lên.
  2. Đưa chân và tay lành về phía bên liệt. Xoay thân mình sang bên liệt.

Cách lăn sang bên liệt

Lăn sang bên lành:

  1. Cài tay lành vào tay liệt.
  2. Giúp người bệnh, gập gối và háng bên liệt.
  3. Dùng tay lành kéo tay liệt sang phía tay lành.
  4. Đẩy hông người bệnh xoay sang bên lành.

Cách lăn sang bên lành

Ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa

  1. Người nhà ngồi bên cạnh người bệnh.
  2. Người bệnh bám hai tay vào cánh tay của người thân.
  3. Một tay người nhà quàng và đỡ vai người bệnh.
  4. Đỡ người bệnh ngồi dậy từ từ.

Ngồi dậy từ tư thế nằm nghiêng

Cách thứ nhất

  1. Người bệnh nằm nghiêng về phía bên liệt, chân trên gập.
  2. Người nhà ngồi phía sau người bệnh. Một tay đỡ vai dưới, tay kia đỡ vai trên người bệnh.
  3. Người bệnh chống tay khoẻ để ngồi lên, trong khi người nhà nâng người bệnh nhân dậy.

Cách thứ hai

  1. Người bệnh nằm nghiêng bên lành cạnh mép giường.
  2. Chân lành luồn dưới gót chân liệt đưa chân liệt ra ngoài mép giường.
  3. Thả cả hai chân xuống dưới cạnh giường.
  4. Chống khuỷu tay lành lên mặt giường, duỗi tay lành để đẩy thân mình ngồi lên.
  5. Khi đó người nhà đỡ vai dưới để hỗ trợ bệnh nhân ngồi dậy.

Tập hoạt động, sinh hoạt hàng ngày

Gia đình cần hỗ trợ để người bệnh tự làm các hoạt động chăm sóc bản thân như: ăn uống, vệ sinh: chải đầu, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh… Trong đó, cần biết cách hỗ trợ người bệnh di chuyển từ giường sang xe lăn và ngược lại.

Thay quần áo

Cởi áo (quần)

Theo thứ tự cởi tay áo (ống quần) bên lành trước, bên liệt sau.

                               

Cởi một tay                                 Cởi nốt tay kia

Mặc quần (áo)

Làm theo thứ tự ngược lại với khi cởi: xỏ ống quần (tay áo) bên liệt vào trước, kéo lên rồi xỏ ống quần (tay áo) bên lành vào sau.

                             

Xỏ chân bên liệt trước                          Xỏ nốt chân kia

Cài khuy áo, buộc dây giày, dép

Nếu cài khuy áo khó khăn, có thể thay các khuy áo bằng băng dán, móc gài…

Tương tự như vậy có thể thay giây buộc giày, dép bằng móc cài hoặc băng dán.

Di chuyển từ giường sang ghế (xe lăn) và ngược lại

Để người bị liệt ngồi ở mép giường. Xe lăn để sát cạnh ghế về phía bên liệt. Mặt giường chỉ cao bằng ghế (xe lăn).

Giúp bệnh nhân nâng mông lên khỏi mặt giường xoay sang phía bên liệt để ngồi xuống xe lăn hoặc ghế.

Đứng dậy

Khi mới tập đứng dậy từ tư thế ngồi, người bệnh thường có xu hướng đứng lên bằng chân lành, khi ấy chân liệt đưa ra phía trước.

Do vậy, cần chú ý sửa sao cho khi đứng dậy, người bệnh phải dồn trọng lượng đều xuống cả hai chân.

Người bệnh cũng có thể đứng dậy bằng nạng.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng nạng, người bị liệt cần tập đứng vững trong thanh song song trước.

                                                       

Đặt hai mũi chân bằng nhau                                        Đứng dậy

Nếu người bệnh không tự đứng dậy một mình, người nhà cần hỗ trợ họ:

Chuẩn bị:

  1. Để hai bàn tay người bệnh đặt lên vai người nhà.
  2. Hai tay người nhà đặt ngang thắt lưng người bệnh.
  3. Hai mũi bàn chân người nhà đặt đối diện mũi bàn chân người bệnh.
  4. Hai gối người nhà tỳ vào hai gối người bệnh, giữ cho chúng duỗi.

Yêu cầu bệnh nhân cúi người về phía trước sau đó đứng lên với sự đỡ giúp của người nhà.

Trong động tác này người bệnh phải phối hợp cùng người giúp đỡ để đứng lên.       

Tập thăng bằng đứng

Để người bệnh đi được họ cần đứng vững. Để cho họ đứng càng nhiều càng tốt. Trước tiên, để cho người bệnh tập đứng trong thanh song song trước.

Để họ đứng vững hơn, nên cho họ tập lần lượt với tay sang hai bên, rồi cúi nhặt vật dưới đất. Mỗi bên làm 10 lần. Bằng cách đó hàng ngày có thể tập để người bệnh đứng vững hơn.

Đi trong thanh song song

Khi người bệnh đã đứng vững, có thể cho họ tập đi. Lúc đầu nên tập đi trong thanh song song. Cách đo, cách làm và cách sử dụng thanh song song để tập đi có thể tham khảo thêm bài các dụng cụ phục hồi chức năng. Có thể đi theo kiểu ba điểm hoặc bốn điểm (tham khảo phần các dụng cụ trợ giúp di chuyển).

Tập theo tầm vận động khớp

Để đề phòng co cứng và biến dạng các khớp, người bệnh cần được động viên thực hiện các bài tập thụ động theo tầm vận động khớp (xem thêm tài liệu Bài tập phục hồi chức năng phòng ngừa thương tật thứ phát). Người bệnh tự làm hoặc có người nhà giúp. Bài tập này nên làm hàng ngày. Mỗi động tác nên thực hiện từ 10 – 15 lần.