Các động tác người bệnh tự tập

Các bài tự tập này sẽ giúp người bệnh dễ dàng di chuyển và đề phòng các di chứng cứng khớp… bao gồm các động tác sau:

Nâng hông lên khỏi mặt giường

Người bệnh nằm ngửa, hai tay đặt dọc thân mình, hai chân gấp, đặt hai chân sát nhau. Nâng hông lên khỏi mặt giường, càng cao càng tốt, và càng lâu càng tốt. Để người bệnh đếm 1,2,3,4… đến 15-20 hãy đặt hông xuống giường. Làm lại khoảng 10 lần.

Tập cài hai tay đưa lên phía đầu

Tay lành cài vào các ngón tay bên liệt, đưa hai tay duỗi thẳng về phía đầu. Cố gắng đưa khuỷu tay hai bên ngang tai. Sau đó, hạ hai tay về vị trí cũ. Làm lại 10 – 15 lần.

Giai đoạn sau, khi người TBMMN bắt đầu cử động được trở lại, các cơ bị co cứng, việc phục hồi chức năng ngoài những nội dung đã thực hiện kể trên, cần thực hiện thêm các bài tập phục hồi cơ.

Tập phục hồi các cơ bên liệt

Chú ý rằng trước khi tập các bài tập cho người bệnh cần đảm bảo giải phóng họ khỏi tình trạng co cứng trước, đối với các trường hợp liệt cứng và có tăng trương lực cơ.

Có thể áp dụng các cách đơn giản sau để ức chế trương lực cơ ở tay và chân.

Ức chế trương lực cơ ở tay: để người bệnh ngồi, tay bị liệt duỗi thẳng (khuỷu duỗi), bàn tay và các ngón tay mở xòe ra đặt trên mặt giường, chống tay cạnh thân mình. Giữ ở tư thế đó 5 – 10 phút.

Ức chế trương lực cơ chân: để người bệnh ở tư thế ngồi, gối chân liệt vuông góc, bàn chân liệt đặt sát trên nền nhà. Bảo người bệnh bắt chéo chân lành sang bên chân liệt, cẳng chân bên lành tì đầu gối chân bên liệt xuống. Nếu người bệnh không làm được thì người giúp đỡ có thể dùng tay của mình để tì ấn gối bên liệt của người bệnh xuống. Giữ tư thế đó 5-10 phút hoặc tới khi chân liệt của người bệnh không run, giật nữa thì ngừng lại.

Để nửa người bên liệt có thể cử động và phục hồi trở lại, người TBMMN cần cố gắng vận động càng nhiều càng tốt. Việc tập luyện để tăng sức mạnh cơ bên liệt được tiến hành như tập mạnh cơ trong các bệnh khớp. (xem thêm tài liệu Bài tập phục hồi chức năng phòng ngừa thương tật thứ phát). Nên tập chân để người bệnh có thể đi lại được.

Tập gấp háng sẽ giúp người bệnh nhấc được chân lên để đi lại

Người TBMMN ngồi thẳng, khớp gối vuông góc, tay của cộng tác viên đặt lên gối người bệnh, chống lại cử động rung giật chân và nhấc gối lên của người bệnh.

Tập mạnh cơ duỗi gối giúp đứng vững

Người bệnh ngồi sâu vào ghế, cẳng chân duỗi thẳng, gối duỗi.

Một tay của người nhà tỳ vào cổ chân, chống lại cử động của người bệnh.

Khi bắt đầu đi lại được, nên tập nhiều hơn các cơ ở tay. Bắt đầu bằng cách tập cơ ở vai, rồi khuỷu tay và bàn tay.

Hai tay giơ gậy lên quá đầu rồi hạ xuống, làm lại 20 lần.

Nếu lúc đầu không làm được ở tư thế ngồi hoặc đứng, có thể thực hiện bài tập này ở tư thế nằm ngửa.

Hai tay cầm gậy vào gần và ra xa khỏi người, làm 20 lần. 

Vận động đề phòng co rút và biến dạng khớp

Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng co cứng, co rút cơ ở bên liệt và cứng khớp vai, khớp cổ chân bên liệt cần phải được đặt ở tư thế đúng, tập theo tầm vận động và dùng nẹp chỉnh hình.

Đặt tư thế đúng

Nếu hầu hết thời gian người bệnh được đặt đúng tư thế sẽ hạn chế rất tốt chuyện dính khớp bên liệt. Các tư thế tốt đã được mô tả ở phần trên.

Nếu người bệnh cử động thường xuyên và khó giữ tư thế đúng, phải dùng nẹp chỉnh hình để cố định tư thế các chi.

Dùng nẹp chỉnh hình để duy trì tư thế đúng

Đối với người bị liệt nửa người, các nẹp chỉnh hình hay dùng là:

Nẹp dưới gối: để đề phòng bàn chân thuổng.

Nẹp cổ tay: giữ cổ tay khỏi quặp và biến dạng gập.

Đai treo cánh tay: đỡ vai khỏi xệ và bán trật khớp.

Các nẹp này thường được làm từ nhựa, tre, gỗ, vải… được đo theo kích thước của chân tay người bệnh. Có thể tham khảo phần chế tạo và sử dụng các dụng cụ này ở phần các dụng cụ phục hồi chức năng.

Tập theo tầm vận động các khớp ở chi và thân mình

Người bị liệt nửa người ở giai đoạn sau thường bị cứng và đau khớp vai bên liệt. Vai bên liệt vừa xệ xuống vừa khép chặt vào thân mình. Cổ chân bên liệt cũng bị duỗi cứng.

  1. Để người bệnh nằm ngửa, vai bên liệt cạnh mép giường.
  2. Một tay người tập giữ vai người bệnh.
  3. Tay kia cầm cẳng tay ngay trên khuỷu tay người bệnh, đưa lên phía đầu người bệnh.
  4. Đưa càng cao càng tốt, khi nào người bệnh đau thì dừng lại.
  5. Giữ 30 giây rồi trở lại vị trí ban đầu.

Kéo giãn cổ tay bên liệt

Người bệnh nằm ngửa, cánh tay gập lên phía vai 900. Một tay người tập duỗi cho khuỷu tay người bệnh thẳng ra. Tay kia duỗi cổ tay hết tầm, sau đó duỗi các ngón tay.

Kéo giãn cổ chân: Khi cổ chân gập quá mức về phía lòng bàn chân. Người bệnh nằm ngửa, duỗi chân. Một tay người tập giữ cẳng chân người bệnh. Tay kia dùng ngón cái và 3 ngón đối diện giữ chặt gót chân người bệnh. Để bàn chân người bệnh tựa vào cẳng tay mình, vừa kéo gót chân người bệnh xuống vừa đẩy mũi bàn chân họ theo hướng ngược lại. Giữ khoảng 30 giây. Làm lại cử động này 15 lần.

Tập đi và di chuyển độc lập

Để người bệnh có thể đi lại một cách vững vàng, an toàn, việc bắt đầu tập đi cần tuân theo các giai đoạn: tập đứng dậy, đứng vững và đi.

Trước khi cho người TBMMN tập đứng, tập đi nếu có rung giật bàn chân thì xử lý bằng cách sau: Để họ ngồi trên ghế, hoặc mép giường, gối vuông góc, bàn chân bên liệt đặt trên nền nhà hoặc mặt phẳng cứng. Cộng tác viên hoặc người nhà trợ giúp dùng một bàn tay giữ gối của người bệnh và ấn xuống, chống lại sự rung giật của bàn chân liệt và đẩy gối bên liệt lên. Giữ như vậy cho tới khi chân bên liệt không còn giật nữa mới bắt đầu cho người TBMMN tập đứng hoặc tập đi.

Dụng cụ tập luyện

Có thể làm một số dụng cụ để tập như: ròng rọc, thanh gỗ để tập khớp vai, tạ (hoặc bao cát) để tập mạnh cơ… Tuỳ theo mục đích tập mà người bệnh nên được được chọn dụng cụ nào.

Dùng lõi gỗ hoặc sắt làm ròng rọc, treo lên cành cây hoặc xà nhà. Hai dầu dây vắt qua ròng rọc được nối với hai tay cầm. Người bệnh ngồi dưới ròng rọc. Hai tay nắm vào tay cầm, tay khoẻ kéo xuống để tay yếu được kéo lên cao. Nếu tay yếu nắm không chắc, có thể dùng khăn vải buộc vào tay cầm.

Ròng rọc tập khớp vai

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO (healthvietnam.vn)