Bài 3 phần 1: Thay đổi mối quan hệ — cha mẹ và bạn bè đồng trang lứa
Bài viết này vẫn biên soạn dựa chủ yếu theo tác giả Peter K. Smith. Tác giả Peter K. Smith đề cập đến khá nhiều các nghiên cứu ở cộng đồng người châu Á hơn so với các tác giả khác mà tôi tham khảo, nên các số liệu có vẻ gần gũi hơn với chúng ta chăng?
Tuy nhiên, tôi không đi vào trình bày ngay về các lý thuyết tâm lý để mô tả các khái niệm hay các chức năng tâm lý cơ bản, điều mà nếu bạn đọc là nhà chuyên môn sẽ quan tâm. Nhưng các cha mẹ Việt, những người ít được trang bị kiến thức tâm lý học cơ bản, sẽ cảm thấy khó theo dõi. Tôi sẽ đề cập đến các lý thuyết của Jean Piaget, Lawrence Kohlberg, and Erik Erikson trong một hệ thống bài viết khác, mà tôi đã bắt đầu khi biên soạn trong giáo trình “Sức khỏe tâm thần”, cho năm học 2019-2020, tài liệu lưu hành nội bộ cho sinh viên năm thứ 3.
Tuổi mới lớn là giai đoạn có nhiều thay đổi trong mối quan hệ với cha mẹ cũng như với bạn bè đồng trang lứa. Một quan điểm truyền thống, đơn giản là các mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa trở nên có ảnh hưởng hơn, và mối quan hệ với cha mẹ ít hơn trong những năm nhi đồng. Điều này bao hàm sự kiện: vị thành niên ngày càng trở nên độc lập với cha mẹ và dành nhiều thời gian hơn trong các nhóm đồng trang lứa trong cùng độ tuổi. Tuy nhiên, bức tranh không thể tránh khỏi phức tạp, và thay đổi trong các bối cảnh văn hóa và giai đoạn lịch sử khác nhau.
Cha mẹ
Một thay đổi trong mối quan hệ với cha mẹ, nói chung là sự gần gũi về tình cảm. Các độc giả là nhà chuyên môn sẽ liên hệ với chức năng tâm lý cơ bản của thời thơ ấu là ‘mối quan hệ gắn bó’. Sự thay đổi đã được ghi lại rõ ràng trong một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, báo cáo xếp hạng về mức độ gần gũi của những người trẻ tuổi với cha mẹ, ở độ tuổi 10, 16 và 25. Các phát hiện cho thấy rõ ràng rằng trẻ vị thành niên không đánh giá mình gần gũi với cha mẹ như những đứa trẻ nhi đồng hoặc thanh niên. Xếp hạng về mức độ gần gũi với mẹ cao hơn so với mức độ gần gũi với cha, nhưng đối với cả cha và mẹ, mức độ gần gũi đã giảm ở năm 16 tuổi, khoảng 1 hoặc 1,5 điểm trên thang điểm 7. Một khía cạnh thú vị của nghiên cứu này là một khía cạnh bổ sung mang tính lịch sử. Có dữ liệu cho hai nhóm theo năm sinh: một tập hợp dữ liệu cho những người sinh năm 1925–39 (là vị thành niên trong những năm 1940–50) và một nhóm thứ hai dành cho những người sinh trong giai đoạn 1950–59 (là vị thành niên niên trong những năm 1960–70). Có một khoảng cách gần gũi hơn ở nhóm trước, có lẽ bởi vì so với những năm 1940 và 1950, những năm 1960 có sự kiện đáng chú ý là phản đối xã hội xung quanh Chiến tranh Việt Nam, trong đó những người trẻ tuổi đóng một vai trò nổi bật.
Không nên phóng đại sự xa cách này với cha mẹ. Với cha mẹ Việt, đối tượng mà tôi làm việc khá nhiều trong chủ đề trẻ vị thành niên, tôi nhận thấy, sự xa cách này thực sự gây tổn thương cha mẹ Việt trong những năm đầu thập niên trước, và giảm đi ở cuối thập niên. Có thể cha mẹ Việt đã bắt đầu quen hơn với đặc điểm tâm lý này, điều mà không xảy hoặc rất ít xảy ra ở Việt Nam thời kì trước mở cửa.
Trong nghiên cứu trên, xếp hạng trung bình về mức độ gần gũi vẫn ở mức tích cực. Kết quả cho thấy rằng hầu hết trẻ vị thành niên luôn duy trì mối quan hệ tốt với cha mẹ và vẫn coi cha mẹ như những nguồn hỗ trợ và tư vấn về mặt tinh thần. Tuy nhiên, những thay đổi trong giai đoạn này là có thật và nhiều bậc cha mẹ có thể trải nghiệm được. Những thay đổi này có thể liên quan đến việc sắp đến tuổi dậy thì, vì chúng dường như liên quan chặt chẽ đến thời gian dậy thì hơn là tuổi theo thời gian. Chúng cũng liên quan đến những thay đổi của não tại thời điểm này và những thay đổi về nhận thức, đặc biệt là việc tìm kiếm danh tính và quyền tự chủ. Sự thay đổi sinh lý đã có những ảnh hưởng rõ nét đến các chức năng tâm lý với sự công nhận bằng chứng này. Các chỉ số về những thay đổi tâm lý bao gồm các vấn đề xung quanh niềm tin và sự bộc lộ; và xung đột giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên.
Tin tưởng và bộc lộ
Người trẻ tin tưởng ở mức độ nào ở cha mẹ để họ sẵn sàng bộc lộ những lo lắng và băn khoăn của họ, và nhận hoặc xin lời khuyên? Một sự khác biệt phổ biến được thực hiện ở đây là giữa ‘mối quan tâm thận trọng’ và ‘mối quan tâm cá nhân’. Các mối quan tâm thận trọng liên quan đến các hành vi nguy cơ như dùng chất hoặc nói chuyện với người lạ trên internet. Mối quan tâm cá nhân liên quan đến những lựa chọn bình thường không có rủi ro, chẳng hạn như lựa chọn bạn bè hoặc cách dành thời gian giải trí của một người. Khi được hỏi, trẻ vị thành niên thường nói rằng họ nên nói chuyện với cha mẹ về những mối quan tâm thận trọng, trong khi nói về những mối quan tâm cá nhân không được coi là quá cần thiết. Nhưng hành vi thực tế của họ thường không tương ứng với những gì họ cảm thấy phải làm. Họ ít bộc lộ về những mối quan tâm thận trọng của họ, bởi vì họ sợ bị từ chối, trừng phạt hoặc áp đặt. Họ sẽ cố gắng tránh nói dối cha mẹ, nhưng để tránh bộc lộ đầy đủ các hoạt động rủi ro, họ có thể sử dụng các chiến lược như né tránh vấn đề, một chiến lược mang tính phòng vệ, chỉ nói nếu được hỏi trực tiếp và bỏ qua các chi tiết quan trọng. Chiến lược phòng vệ được thực thi ở đây phản ánh sự phát triển nhận thức đang trên đà, mà chưa đầy đủ. Giáo dục tâm lý cho trẻ ở giai đoạn này chắc chắn nên đề cập đến- một chương trình mà tôi kì vọng có thể thực hiện cho các trẻ ở tầm lớp 8 và lớp 10.
Một nghiên cứu đã so sánh những phát hiện này, từ nhiều kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, với hành vi của trẻ vị thành niên khoảng 16 tuổi ở Nhật Bản. Một mô hình rất giống nhau đã được tìm thấy. Trẻ cảm thấy có nghĩa vụ bộc lộ các vấn đề thận trọng hơn (ở Nhật Bản, những vấn đề này bao gồm uống rượu sake và đi đến các trung tâm trò chơi điện tử), nhưng thực tế bộc lộ những vấn đề này ít thường xuyên hơn so với các vấn đề cá nhân, do trẻ cảm thấy ít tính nghĩa vụ hơn. Mặc dù cấu trúc của các phát hiện khá giống nhau, tỷ lệ bộc lộ thực tế và bộc lộ nghĩa vụ ở người Nhật thấp hơn đáng kể so với trẻ vị thành niên Hoa Kỳ, có lẽ vì mối quan tâm lớn hơn đó là tránh phá vỡ sự hòa hợp gia đình trong văn hóa Nhật Bản, một sự tương đồng với văn hóa Việt Nam.
Xung đột giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên
Một biểu hiện khác của sự xa cách giữa cha mẹ và con cái là sự gia tăng các xung đột. Một đánh giá cho rằng tần suất xung đột cao nhất ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên, trong khi cường độ xung đột cao nhất ở những năm giữa tuổi vị thành niên. Một số nghiên cứu đã được thực hiện về những xung đột như vậy là gì. Ví dụ, một nghiên cứu về trẻ vị thành niên người Mỹ gốc Phi 11-14 tuổi ở Hoa Kỳ cho thấy xung đột thường xuyên nhất là về làm việc nhà (21%), lựa chọn hoạt động (17%) hoặc các vấn đề về mối quan hệ giữa các cá nhân, chẳng hạn như lựa chọn bạn bè (17%), tiếp theo là tình trạng phòng ở của trẻ (13%), bài tập ở trường (10%), thời gian đi ngủ (9%), ngoại hình (6%), và tiền (5%). Một nghiên cứu tương tự sau đó đã được thực hiện với những đứa trẻ 11-18 tuổi ở Hồng Kông và ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ở cả hai địa điểm, mô hình xã hội hóa truyền thống của Trung Quốc chú trọng nhiều hơn đến nghĩa vụ gia đình và trách nhiệm đối với người lớn tuổi hơn so với ở các nước phương Tây. Cha mẹ Việt có thể thấy bản thân mình cũng có phần nào tương tự. Nhưng chúng ta cũng cần chú ý, Hồng Kông thuộc Anh trong nhiều năm lịch sử, còn Thâm Quyến thuộc Trung Quốc, và có sự khác biệt văn hóa, ngay cả trong những năm đầu Hồng Kông thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều xung đột lại xảy ra về việc lựa chọn hoặc quy định các hoạt động (sử dụng điện thoại, xem TV, giờ đi ngủ) và làm việc nhà. Một số xung đột cũng là về tiền bạc và ngoại hình / sức khỏe. Ở Thâm Quyến, có nhiều xung đột hơn về thành tích (học tập, làm bài tập về nhà), tập trung nhiều hơn vào tầm quan trọng của điểm tốt ở trường; có ít xung đột giữa các cá nhân hơn về mối quan hệ với cha mẹ, anh chị em và bạn bè, có lẽ vì hầu hết trẻ vị thành niên ở trong các gia đình một con và không có anh chị em nào để cãi vã.
Các nghiên cứu này đã sử dụng các cuộc phỏng vấn với một số lượng lớn những người trẻ tuổi để hỏi về các xung đột. Theo một cách tiếp cận khác, các nhà nghiên cứu ở Hà Lan đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu với chỉ mười bảy cô gái, trong hơn một năm. Họ 15 tuổi khi nghiên cứu bắt đầu, và họ được yêu cầu ghi chép nhật ký về những xung đột với mẹ của mình. Họ đã làm điều này trong chu kì hai tuần, sáu tuần một chu kì. Họ có thể ghi lại các cuộc xung đột online hoặc viết vào một tập sách nhỏ, và họ nhận được một phần thưởng nhỏ cho mỗi tuần hoàn thành. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã phân loại tổng số 147 xung đột được ghi nhận thành 5 loại chính: tự chủ (ví dụ: khi nào đi ngủ, khi nào làm bài tập về nhà; 51%); không giống tôi (sự khác biệt giữa cách cô gái nhìn nhận bản thân và cách cô ấy được mẹ cô ấy nhìn và phản ứng; 20%); sự phụ thuộc (con gái muốn giúp đỡ hoặc lời khuyên từ mẹ; 13%); không công bằng (con gái cảm thấy mình bị đối xử bất công; 9%); và các xung đột trong phạm vi nhỏ (ví dụ: chải tóc đau đớn, làm mất hộp bánh sandwich; 7%). Những xung đột này tạo ra một loạt các phản ứng cảm xúc, chẳng hạn như cảm thấy tức giận, thất vọng, xấu hổ, bị hiểu lầm, không được coi trọng. Nói chung, những cô gái có nhiều xung đột hơn trong năm cho biết có nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau hơn. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đối với một số ít các cô gái thuộc nhóm cho biết có nhiều xung đột nhất, thì điều này không đúng. Những cô gái này cho biết có xung đột trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có cùng trạng thái cảm xúc. Những cô gái này và mẹ của họ dường như bị ‘bắt’ trong một khuôn mẫu cứng nhắc là tái hiện cùng một loại xung đột, với cùng kết quả, trong suốt cả năm. Khi làm việc với cha mẹ Việt, tôi cũng thấy hiện tượng này. Tuy nhiên, đối với hầu hết các cô gái, có nhiều sự thay đổi và linh hoạt hơn.
Những nghiên cứu này cho thấy rằng cha mẹ của trẻ vị thành niên có một ranh giới tốt để thực hiện— một số quy tắc là quan trọng, không thay đổi, nhưng thảo luận và linh hoạt để thừa nhận cảm xúc và mong muốn của chính trẻ cũng cần thiết. Đối với các cha mẹ Việt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của khuynh hướng giáo dục thuận theo tự nhiên, một số cha mẹ bỏ qua việc thiết lập ranh giới này, một trong những lý do dẫn đến một số rối loạn của trẻ, trong đó điển hình là vấn đề lạm dụng internet. Tôi cũng sẽ đề cập tường tận hơn trong bài viết về chẩn đoán ‘nghiện game’. Ở đây lưu ý các cha mẹ và nhà chuyên môn, trong DSM 5, phần phân loại chính thức không có chẩn đoán này, mà nó chỉ xuất hiện trong phần phân loại mang tính văn hóa, do các nhà Tâm thần học Trung Quốc đề nghị.
Một lĩnh vực mà xung đột giữa cha mẹ và vị thành niên thường khó tránh là xung quanh giờ đi ngủ của trẻ vị thành niên.
Lịch đi ngủ ở tuổi vị thành niên
Mô hình giấc ngủ thay đổi qua tuổi vị thành niên theo hai cách quan trọng. Đầu tiên là cái được gọi là sở thích chậm trễ: trẻ vị thành niên đi ngủ muộn hơn và dậy muộn hơn vào buổi sáng, đặc biệt là vào cuối tuần. Điều này đã được cho là một hệ quả tự nhiên của những thay đổi sinh học liên quan đến tuổi dậy thì. Một cơ chế điều hòa nhịp ngày đêm ở vùng dưới đồi duy trì trạng thái tỉnh táo muộn hơn vào buổi tối so với trường hợp thời thơ ấu, một xu hướng bắt đầu đảo ngược ở giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên, thâm chí có thể diễn ra sớm hơn, do ảnh hưởng của sinh hoạt chung trong gia đình. Thay đổi thứ hai là một phần của xu hướng liên tục hơn từ thời thơ ấu trở đi và đến tuổi trưởng thành là giảm thời lượng ngủ. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần ngủ nhiều hơn người lớn, và việc đi ngủ muộn có nghĩa là họ thường ngủ ít hơn mức cần thiết.
Paul Kelley, một nhà nghiên cứu trước đây là giáo viên chủ nhiệm tại một trường trung học ở miền bắc nước Anh, đã lập luận rằng lịch trình của người lớn không phản ứng với những thay đổi trong cách ngủ mà trẻ vị thành niên đang trải qua. Kết quả của thời gian bắt đầu đi học bình thường là 9 giờ sáng và trẻ thường thiếu ngủ, gây hậu quả bất lợi cho việc học, cáu gắt ở trường vào buổi sáng và tăng khả năng xung đột với giáo viên. Trong khi là một hiệu trưởng, ông đã thử hiệu quả của việc bắt đầu đi học lúc 10 giờ sáng và báo cáo kết quả rất tích cực, cả về mặt học tập và bầu không khí trong trường thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Các trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay bắt đầu khung giờ 8g30. Và như tôi biết, Anh, Mỹ và Pháp cũng vẫn bắt đầu với khung giờ này, có thể là do sự hợp lý tương quan với hoạt động chung của xã hội.
Gia đình và trường học
Nghiên cứu về giờ đi ngủ minh họa cách thức thực hành gia đình có thể ảnh hưởng đến cuộc sống ở trường. Một nghiên cứu ở Mỹ đã sử dụng dữ liệu nhật ký hàng ngày trong khoảng thời gian hai tuần để kiểm tra điều này. Cha mẹ và trẻ vị thành niên (khoảng 15 tuổi) đã báo cáo về các xung đột, và trẻ vị thành niên cũng báo cáo về tâm trạng hàng ngày với các vấn đề ở trường (chẳng hạn như đi học muộn hoặc bị điểm kém). Xung đột giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên dự đoán các vấn đề ở trường vào cùng một ngày và kéo dài đến hai ngày sau đó. Ngược lại, các vấn đề ở trường cũng dự đoán xung đột ở nhà. Điều thú vị là, xung đột giữa phụ huynh với nhau không dự đoán được các vấn đề ở trường học, ít nhất là không nằm trong phạm vi thời gian của nghiên cứu này; ảnh hưởng chỉ giới hạn trong xung đột với trẻ vị thành niên. Tâm trạng tiêu cực được báo cáo bởi trẻ vị thành niên dường như chiếm phần lớn cái mà các tác giả gọi là ‘hiệu ứng lan tỏa’ giữa gia đình và trường học.
Leave A Comment